KTS. Võ Trọng Nghĩa và các cộng sự có 5 công trình Kiến trúc xanh (Green Good Design Awards) của Trung tâm nghiên cứu Thiết kế kiến trúc nghệ thuật Châu Âu và Viện Kiến trúc Chicago.
Giải thưởng Kiến trúc xanh (Green Good Design Awards) là một trong những giải thưởng quan trọng và lâu đời nhất trên thế giới về lĩnh vực thiết kế xanh được tổ chức kể từ năm 1950 tại Chicago, Mỹ của trung tâm nghiên cứu Thiết kế kiến trúc nghệ thuật Châu Âu và Viện Kiến trúc Chicago.
Thông qua giải thưởng này, cộng đồng thế giới cũng sẽ biết đến và quan tâm tới những công ty đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sinh thái bền vững cho môi trường.
Từ trước tới nay, VTN Architects đã từng đạt giải thưởng Kiến trúc xanh (Green Good Design) 2014, 2015, 2017 với các công trình như Farming Kindergaten, House for trees, S-house 2, Stone house, Atlas, Hoan house…
Năm 2018, vượt qua hàng trăm công trình trên toàn thế giới nộp giải thưởng, 05 công trình của VTN Architects đã vinh dự được nhận giải thưởng Kiến trúc xanh 2018 và hình ảnh của dự án sẽ được in trong cuốn sách “Good Design Yearbook 2017 – 2018”.
Cùng chiêm ngưỡng 5 công trình đoạt giải thưởng Kiến trúc xanh của KTS. Võ Trọng Nghĩa và các cộng sự
Sơn La Dome- nhà vòm nằm giữa núi rừng với không gian yên bình là công trình sử dụng tre là vật liệu chính để thực hiện năm cấu trúc mái vòm với độ cao khác nhau lấy cảm hứng từ những ngọn núi cao bao quanh tạo thành một đường chân trời hài hòa với phong cảnh hữu tình tại thành phố Sơn La.
Nhà vòm lớn nhất (283m2) có chiều cao 15.6m được sử dụng làm quán cà phê. Hai nhà vòm – mỗi nhà 227m2 với chiều cao 12.5m và hai nhà khác – mỗi nhà 164m2, chiều cao 10.5m được sử dụng làm không gian chờ và tiền sảnh đón khách cho hội trường.
Những nhà vòm này cũng là không gian đa năng cho các tổ chức địa phương thực hiện sự kiện ngoài trời, hội họp, lễ tiệc… Hòa mình vào đó là âm thanh thiên nhiên từ thác nước và con suối nhỏ chảy róc rách giữa hội trường và các nhà vòm. Giữa khung cảnh xanh thơ mộng này, nơi đây trở thành một điểm nhấn dành cho quan khách từ lối dẫn vào hội trường.
Bình House – Ngôi nhà là một trong chuỗi dự án nhà cho cây với mục đích góp phần xanh hóa đô thị trong bối cảnh diện tích cây xanh trên đầu người tại các thành phố lớn ở Việt Nam rất thấp.
Vườn cây đặt xen kẽ giữa các không gian, lệch nhau theo phương đứng, kết hợp việc thiết kế các gian phòng với hai mặt là cửa kính trượt. Ý tưởng này không những giúp cải thiện vi khí hậu, vừa tạo cảm giác rộng rãi, mà còn tăng sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình.
Sử dụng các vật liệu bền vững như đá tự nhiên, gỗ, bê tông trần kết hợp với giải pháp vi khí hậu tăng cường thông gió và lấy sáng tự nhiên, công trình được xây dựng kiên cố nhằm giảm chi phí vận hành và bảo trì.
“Bamboo house” đã được thiết kế để tạo ra một không gian sống thoải mái mặc dù có diện tích hạn chế. Khu đất nhỏ và hẹp, chỉ có thế lấy sáng và thông thoáng tự nhiên qua 2 mặt tiền phía trước và sau. Các bồn cây được bố trí ngẫu nhiên trên mặt tiền phía trước, tạo ra sự hấp dẫn và một lối vào chào đón hơn.
Với ngôn ngữ thiết kế thống nhất, ngoài việc trồng tre trên mặt tiền, tre còn được dùng làm ván khuôn cho các vách bê tông của bồn cây. Vân tre trên bề mặt bê tông giúp làm giảm sự khô cứng và nặng nề của tường bê tông truyền thống và do đó cải thiện chất lượng thẩm mỹ tổng thể của ngôi nhà.
Dự án này cung cấp một giải pháp để tạo ra một không gian mở sống thoải mái và được bao quanh bởi cây xanh trong một vị trí rất chật và nhỏ. Nó không chỉ đáp ứng các nhu cầu chức năng và thẩm mỹ mà còn kết nối mọi người với nhau và quan trọng hơn là kết nối con người với thiên nhiên.
KTS. Võ Trọng Nghĩa và các cộng sự đang phát triển một loạt các dự án nhà ở, “Nhà cho cây”, tạo ra không gian xanh trong những khu phố chật chội. Là dự án gần đây nhất trong chuỗi công trình này, Nhà chậu xếp tầng nỗ lực mang màu xanh trở lại cho thành phố và tạo ra sự liên kết gần gũi giữa con người và thiên nhiên.
Ngôi nhà nằm trong một khu đô thị quy hoạch gọn gàng, nơi mà người dân xây dựng hết chiều cao cho phép và tối đa không gian sống bằng cách giảm không gian xanh.Với ý tưởng mang cây xanh vào nhà, nhà thiết kế muốn mỗi ngôi nhà sẽ đảm nhiệm vị trí như một công viên nhỏ trong một khu phố dày đặc.
Ngôi nhà được thiết kế cho một gia đình người Việt điển hình với ba thế hệ. Mỗi chức năng riêng được đặt trong các khối bê tông và được xếp chồng lên nhau một cách ngẫu nhiên. Các sàn bê tông ngang từng tầng là các sânđể trồng cây. Những không gian bán ngoài trời này là phòng khách và nhà ăn, chính là không gian cho mọi người quây quần.
Công trình nhà ở Đông Anh nằm trong khu đất rộng 800m2, diện tích xây dựng 500m2, chiều cao 2 tầng. Chủ nhà là một gia đình có đông thành viên, nên yêu cầu về các không gian riêng tư, phòng ngủ nhiều những vẫn cần đảm bảo các không gian chung kết nối các thành viên trong gia đình.
Nhà được thiết kế mái dốc, phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa của Việt Nam. Tường đất được xây dày 350mm, xây cao 2 tầng, không có cột bê-tông. Nhiều loại đất tạo ra được các vân màu đất khác nhau, khiến công trình có một bề ngoài mới lạ, khác biệt. Đất sau khi được lấy về, được sàng lọc, xay nhỏ, sau đó được trộn thêm với xi măng, phụ gia rồi được cho vào hệ ván cốp pha và đầm chặt. Kết quả được những bức tường đất mịn màng, thẩm mỹ đẹp, khả năng chịu lực cao.
Tổng thể công trình đạt được sự mới lạ trong vật liệu, sự hiện đại, tiện dụng trong công năng, sự thân thiện trong cảnh quan và phong cách kiến trúc.